VIỆT NAM RỪNG VÀNG BIỂN BẠC

 

“Việt Nam rừng vàng biển bạc”, câu này từ hồi tiểu học tôi đã được học rồi, nhưng không cảm nhận được Việt Nam ta thiên nhiên khoáng sản ưu ái như thế nào. Cái gì từ rừng, từ biển cũng đến dễ dàng, ví dụ như muối là thứ mà rẻ như cho. Tôi cũng chưa từng để ý đến việc tốn tiền mua muối về dùng.

Việt Nam là một nơi có biển, có đảo, có vịnh, có khoáng sản, có dầu khí, có rừng, có cao nguyên, có đồng bằng, có nơi nóng, có nơi mát mẻ. Đất nước so về cảnh đẹp thì không thua ai, càng đi nhiều càng thấy Việt Nam tươi đẹp. Thế đấy, vì tươi đẹp, vì có sẵn nên con người cứ thỏa mái xài thôi. Ăn sẵn cũng quen, ăn hết rừng, thì quay qua vét sạch biển cả, cá lớn cá bé đều đánh bắt không có kiểm soát quy định.

Khi lớn lên mới thấy được quê hương mình giàu có quá, đi bao nhiêu nơi cũng không thấy chỗ nào tài nguyên thiên nhiên cứ thích là bắt, muốn là lấy. Không lấy được công khai thì trong âm thầm, không âm thầm thì lén lút. Nhưng kiểu gì cũng lấy được.

Trồng cây cả trăm năm mới thành rừng, chứ phá rừng thì vài ngày một tờ “quyết định” thế là xong. Giờ mà nói tới mấy khu bảo tồn quốc gia gì đấy thì chỉ toàn khỉ là khỉ, muốn nghe tiếng chim hót coi bộ còn khó chứ gì cho con cháu được thấy thú rừng hoang dã.

Tôi sang Burundi một thời gian thì bắt đầu mày mò đi chợ nấu ăn. Ở đây không có biển, tôi thấy cũng chả sao, uhm thì không có biển, tôi cũng không thích nắng nóng. Nhưng rồi tôi bắt đầu hiểu giá trị của biển, tôi đi mua muối, ở Việt Nam thì tầm 6.000/1 kg, ở đây là 60.000, đắt gấp 10 lần.

Cá biển bán theo con không bán kg. Cứ 1 con cá nhục to tầm 3 ngón tay tầm 100.000, tất nhiên là chỉ có hàng đông lạnh, còn tươi ngon hay không nấu lên mới biết được. Tất cả các thể loại hải sản là thứ xa xỉ nhé, mà có tiền cũng không có chỗ để mua. 

Sau đó tôi lại có dịp sang Tanzania và muốn mua tôm hùm mang về. Anh bạn sống ở Tanzania nhiều năm nói rằng, ở nước này không cho du khách mang tôm hùm ra bằng đường tiểu ngạch. Tôm hùm ở xứ họ trữ lượng lớn, giá rẻ ( 450.000VND loại 2 kg/con), nhưng để kiểm soát về đánh bắt nên chỉ đi theo đường chính ngạch.

Như ở Mozambique ( Mo-dăm-bích) là một nước Châu Phi nghèo ( 54% dân số là người nghèo), nhưng có vài chuyện rất rõ ràng. Ví dụ để bảo về tài nguyên biển thì vào mùa sinh sản là cấm đánh bắt, kích thước chưa đủ là trả lại về biển.

Tôi không so Việt Nam với những nơi giàu mạnh, phát triển. Nhưng nơi tôi đến, nơi tôi biết là các quốc gia nghèo nhất thế giới. Dĩ nhiên họ cũng có nhiều cái không bằng mình, nhưng cái gì về ý thức và nhận thức thì lại biết nhìn về tương lai hơn.

 

 

 

 

 

3.571 views

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *