HƯƠNG VỊ ẨM THỰC HAITI

**Bài viết đã được đăng trên tạp chí Wanderlust Travel Magazine 6/2020**
Ăn gì ở Haiti, đất nước ở phía tây của hòn đảo mang tên Hispaniola?
Đảo Hispaniola là một hòn đảo lớn chia làm đôi cho Haiti ở bờ Tây và Dominica ở bờ Đông. Ở Haiti ẩm thực địa phương gọi chung là món ăn Creole. Các món ăn ở đây bắt nguồn do sự ảnh hưởng lâu đời từ cuộc di cư từ Châu Phi, Ả Rập và thời thuộc địa của Pháp, Tây Ban Nha. Mặc dù ẩm thực nước này không cầu kỳ và khá đơn giản nhưng so với các nước khác trong khu vực Châu Mỹ nó lại là một sự khác biệt.

Nét đặc trưng trong ẩm thực Haiti
Port Au Prince là nơi tôi đang sống, tôi ví thị trấn này có mùi như mùi thức ăn. Thỉnh thoảng khi tôi đi ngược trong gió, không khí lại tràn ngập mùi thơm thật bốc của hành tây chiên và ớt chuông, hai loại thực phẩm nền tảng của ẩm thực thực Caribean-Phi-Pháp.

Món ăn Creole chứa đựng sự hoang dại trong ẩm thực Châu Phi, kết hợp với nét tinh tế trong ẩm thực Pháp và các nước Châu Âu, đã tạo ra cho món ăn Haiti một hương vị mới, lạ miệng và đáng chú ý.
Khi Christopher Columbus khám phá Châu Mỹ năm 1492, từ những lần đầu tiên tiếp xúc với người bản địa của đảo lớn Hispaniola ông đã nhìn thấy cách họ làm chín thịt trên vỉ nướng bằng gỗ. Hương vị thịt nướng này được thưởng thức trong sự pha trộn với mùi khói bao bọc.

Sau đó ông tuyên bố đảo Hispaniola trở thành đồn điền và người dân bản xứ trở thành nô lệ lao động cho đồn điền. Từ đây hình thành thế lực cai trị của người Tây Ban Nha. Tuy nhiên năm 1520 bệnh dịch xuất hiện, người bản địa gần như bị xóa sổ, vùng đất Hispaniola không còn đủ nô lệ lao động cho đồn điền nữa, lúc này người Tây Ban Nha bắt đầu nhập khẩu nô lệ từ Châu Phi. Từ đây Haiti gần như hình thành nền ẩm thực theo phong cách và hương vị Châu Phi. Cho tới khi Pháp xâm chiếm phần phía tây của hòn đảo và mang theo một nền ẩm thực mới từ Châu Âu pha trộn vào. Sự ảnh hưởng rõ rệt của Pháp không chỉ trong việc sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, người dân Haiti có thói quen phổ biến trong các món phô-mát, bánh mì, bơ và các loại tráng miệng kiểu Pháp.
Các loại ẩm thực phổ biến
Ẩm thực Haiti đa phần gần giống với món ăn ở các nước khu vực Caribe nên cũng được gọi chung là “ẩm thực Caribbean”, tuy nhiên nó vẫn duy trì hương vị độc lập độc lập, do có sử dụng nhiều loại thảo mộc và ớt cay trong nấu ăn của người Haiti.
Cơm trộn đậu đỏ: Là món ăn được sử dụng rộng rãi nhất trong mọi gia đình người Haiti. Cơm đậu sau khi nấu chín được phủ một lớp nước sốt được làm từ cà chua, hành tây. Đa phần người Haiti ăn cơm đậu và nước sốt, một số ít người khá giả và cầu kỳ mới cho thêm các thành phần khác vào bữa ăn như là thịt hoặc cá.
Sống một thời gian ở Haiti, tôi dần nhận thấy ngoài đậu đỏ thì lần lượt đến các loại đậu đen, đậu trắng, đậu hà lan được kết hợp cùng cơm khi nấu. Người Haiti cũng thường dùng đậu đen xay nhuyễn nấu lên như một loại súp chan vào cơm. Đa phần các món ăn của người Haiti lại nghiêng về món hầm và súp. Thật ngạc nhiên đúng không? Với một đất nước khí hậu nhiệt đới nóng như Haiti lại yêu thích các món hầm với đậu, đinh hương và sao hồi.
Súp Callaloo món ăn của mọi người dân Haiti
Callaloo súp: Là một món rau có nguồn gốc từ Châu Phi. Ngày nay nó phổ biến ở mọi miền của Haiti, theo truyền thống thành phần chính của nó sẽ là lá dasheen non (lá của một loại khoai môn), có khi họ thay thế bằng rau dền, rau muống hoặc rau bina. Tuy đây chỉ là một món canh rau, nhưng người Haiti đã làm cho nó nổi bật nhờ sự kết hợp cầu kì của gia vị và cách chế biến.
Vào một buổi chiều chủ nhật, tôi nhận lời mời đến nhà đồng nghiệp người bản xứ để dùng bữa tối. Trong khi bạn tôi quá lo lắng cho khẩu vị của một người Châu Á, tôi lại chủ động muốn mếm thử món súp rau mà người người Haiti đều yêu thích, đó là súp Callaloo. Cô ấy bảo tôi chỉ cần đứng nhìn cô ấy trổ tài trên một tá thành phần cho một món canh rau. Lá môn, đậu bắp, cua đất vỏ cứng, thịt muối, hành tây, ớt, hành lá, húng tây, nước cốt dừa, dầu oliu…Tất cả đều được thái nhỏ, thịt cua giã nhỏ, lọc lấy nước. Tôi mới nhìn đến đây liền liên tưởng đến món canh cua rau đay của Việt Nam. Nhưng sau khi cô ấy cho tất cả các thành phần vào nồi nấu sôi lên thì tôi biết rõ ràng đây là sự khác biệt rất lớn. Mùi hành tây, nước cốt dừa và lá húng bốc lên nức mũi, tôi lập tức muốn mếm thử vị béo cay, mặn vừa và thanh mát của các loại lá. Bạn tôi cũng nói thêm, đôi khi muốn làm cho món súp này thêm thịnh soạn và màu sắc người Haiti còn cho thêm bí ngô tươi băm nhuyễn. Nhưng hôm nay cô ấy muốn một người Châu Á như tôi nếm vị của một bát Súp truyền thống nhất.
Cô ấy cũng nói thêm rằng, nấu súp callaloo không thể vội vàng, càng chậm rãi thì vị càng thấm và ngon.
Món ăn phụ và tráng miệng ở Haiti.
Người Haiti yêu thích đồ chiên và có khẩu vị ngọt hơn mức bình thường, các món bánh ngọt, bơ đậu phộng, bánh khoai mì…Sau khi nếm thử tôi đều cảm thấy mình đã ăn quá nhiều đường, lấn át hết cả thành phần khác trong món ăn. Điều này cũng không khó hiểu, người Haiti có thói quen ăn ngọt khi đất nước này đã từng nơi có trữ lượng mía đường lớn nhất thế giới.
Một trong những món khai vị nổi tiếng nhất ở Haiti được gọi là Patty ( Pate). Đó là tổng hợp các thành phần được xay nhuyễn từ thịt bò, thịt gà, cá trích hun khói, hành tây. Các món ăn nhẹ được người bản xứ yêu thích khi chúng được chiên lên như: khoai tây, quả sa kê, thịt của quả Accke trộn với đậu nghiền hoặc bột, chuối.
Quả chuối được xem là món ăn phụ chủ lực ở Haiti họ ăn tươi, nghiền, luộc, chiên. Chuối được phục vụ trong các bữa sáng, bạn sẽ thấy nó khác xa người hàng xóm Hoa Kỳ của Haiti, nơi mà bữa sáng hầu như là trứng, ngũ cốc và bánh quế.
Ngoài chuối, nước cốt dừa cũng là thành phần phụ nhưng không thế thiếu trong ẩm thực Creole. Nước cốt dừa là hương vị không thể thiếu khi người Haiti chế biến ra món Blanacmange trong thời thuộc địa. Thành phần bao gồm gelatin, vani, sữa tươi, sữa đặc, nước cốt dừa, trái cây. Đây giống như một loại thạch rau câu sữa dừa ở Việt Nam.
Hải sản rẻ hơn rau
Đối với Haiti họ chỉ trồng được một số loại rau cơ bản như cà rốt, rau dền, xà lách. Còn lại đều phải nhập khẩu từ các nước khác. Địa hình và khí hậu của Haiti đều không tạo điều kiện cho nước này trồng rau. Chính vì thế nếu để so sánh, có ba loại đặc sản được xem là đắt đỏ và quý hiếm ở Việt Nam nhưng ở Haiti lại có giá rẻ hơn cả… rau. Đó là tôm hùm, hải sâm và vi cá mập.
Tôm hùm ở Haiti nhiều vô kể, giá chỉ bằng một phần mười so với Việt Nam. Tôi nghĩ bụng ăn không hết chỉ có thể mang làm ruốc tôm hùm dùng dần. Vì các lý do như: đặc trưng vùng biển, phương tiện đánh bắt thô sơ mà việc khai thác hải sản ở Haiti còn hạn chế. Chính vì vậy mà tôm hùm trữ lượng còn nhiều và chủng loại thì đa dạng.
Người dân Haiti đánh bắt bằng cây ba chỉa và lặn trực tiếp xuống biển để khai thác hải sản. Vây cá mập cũng được săn bằng cách này. Muốn mua vây cá mập ở Haiti bạn chỉ cần dặn trước cho thợ săn cá vài ngày và chờ đợi vào may rủi của anh ta.
Lambi là một loại hải sản khác, mà tôi chỉ cần nhắc tên với người bản xứ, đã nhận được âm thanh phấn khích từ giọng nói của họ. Người Haiti yêu thích Lambi, loại ốc này thịt dày, dai và ngọt. Trong những lần tụ tập picnic trên biển cùng bạn bè tôi nướng Lambi nguyên trong lớp vỏ của nó. Khi vỏ xà cừ cháy xém đi, mùi thịt ốc thơm lừng lên, chỉ cần dùng tay kéo Lambi ra khỏi vỏ cứng là đã dùng được. Tôi chấm Lambi vừa dai vừa ngọt này vào loại nước sốt đậm vị chua cay, nhai thịt ốc một lượt, nước bọt tiết ra cùng với vị ngọt của sự tươi ngon…Quả thực nó là hương vị hải sản không cần qua chế biến cầu kì vẫn ngon không thể dừng ăn. Đây là món ốc nổi tiếng tươi ngon đặc trưng của các vùng quanh Jacmel, Port Salut của Haiti.
Tips:
Visa
Đại sứ quán Haiti tại Việt Nam nằm tại địa chỉ 44/4 Vạn Bảo, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Bạn có thể làm visa online hoặc xin trực tiếp visa tại Đại sứ quán khá dễ dàng với chi phí 75USD. Tuy nhiên lưu ý rằng không có đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới Haiti nên khi quá cảnh tại các nước khác bạn cần lưu ý vấn đề thủ tục visa tại các nước này.
Sim 4G
Sau khi nhập cảnh vào trong sân bay Haiti, bạn nhìn ngay lối ra sẽ có các cửa hàng phát sim miễn phí của các công ty viễn thông. Đây là đất nước có nhà mạng Viettel đầu tư nên cũng là nơi có nhiều người Việt, nếu cần bạn sẽ được hỗ trợ về thông tin dễ dàng.
Phương tiện di chuyển
Ở Haiti rất phổ biến xe máy Tap Tap, giống như xe ôm của Việt Nam. Bạn nên mặc cả giá trước khi đi, trung bình khoảng 50 Haiti Gourde (~15.000VND) cho 2km. Bạn cũng có thể dùng tiền đô la Mỹ, tuy nhiên để thuận tiện vẫn nên đổi từ tiền đô ra Haiti Gourde. Bạn không nên thuê xe để tự lái vì đường rất hẹp và địa hình ở đây nhiều dốc cao, khá khác biệt so với Việt Nam.
Thời tiết
Haiti ít mưa, chủ yếu mưa vào cuối ngày hoặc ban đêm. Nhiệt độ ban ngày khoảng 33 độ C. Bạn nên chuẩn bị kem chống nắng và mũ rộng vành khi ra ngoài.
5.616 views

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *