ĂN Ở CHÂU PHI NHỚ VIỆT NAM

Tôi nhớ năm 2013, tôi sang thăm nhà bạn ở khu Bắc Hải quận 10. Khi đấy bạn tôi vắng nhà, bảo tôi ngồi café đầu ngõ đợi bạn 30 phút. Tôi chọn bừa một quán thấy đề “Café Sạch”, quán khá vắng, thế là ngồi tám với cô chủ. Tôi  gọi 1 ly café sữa, tôi nói với cô chủ cho ít café thôi, con cứ uống café vô là tim đập, chóng mặt như say xe ấy. Cô cười bảo yên tâm, café sạch nó loãng loãng, màu không đen, uống vào cũng không buồn nôn chóng mặt đâu con.

Sau một hồi tâm sự mới phát hiện ra cô rang xay café nguyên chất, không pha không trộn gì cả. Tôi nói cô cứ thế này thì tốt quá, mọi người được uống café thật. Cô lại tâm sự, chắc cô phải đổi nguyên liệu thôi. Dân mình quen uống café bắp rang đậu rang cháy, phải đen, phải sánh, nồng mùi mới chịu. Họ chê quán bán café nhạt, nên quán vắng lắm con.

Tôi nghĩ lại vẫn thấy đời cay, ăn đồ giả quen, đồ thật ăn không quen.

Sang Châu Phi được một năm, tôi ở cùng toàn bộ là người Việt. Gì chứ nước mắm là hàng hiếm, là của quý. Khi sang me tôi chuẩn bị cho ít nước mắm nguyên chất, ăn thì mặn đậm, mùi thoáng thoáng thum thủm ấy chứ không diễn tả là “thơm ngào ngạt được”. Tôi thấy mọi người toàn ăn Chinsu, bảo chỉ ăn loại Chinsu đổ ra là chấm không cần pha chế này là ngon nhất. Mùi thơm, nước sánh, trong, vừa miệng.

Đấy lại thấy phục truyền thông nhà Mansan, nước mắm công nghiệp nhấn chìm cả nước mắm truyền thống.

Đất nước có bờ biển trực tiếp giáp biển Đông hơn 3.300 km  nhưng người ta chỉ quen ăn các công thức hóa học thôi.

Ở quốc gia lạc hậu như Burundi, tôi mới tìm lại hương vị của trái đưa hấu và trái đu đủ lúc nhỏ tôi được ăn. Dưa hấu không có tiêm thuốc, không có phân bón và chất tăng trưởng. Vị đúng của quả dưa hấu tự nhiên ngọt thanh, không phải ngọt liệm, màu đỏ hồng dần sang đỏ tươi, không đỏ thẩm. Khi ăn gần cuối vỏ thì ít ngọt và có vị hơi chua.

Đu đủ tự nhiên thì thịt bở, màu vàng nhạt, thơm và ngọt, không có cái vị mặn quái đản màu carot như ở Việt Nam.

 

Nghĩ tới quê nhà tôi thấy tuyệt vọng. Có lẽ tôi hơi kích động, nhưng tôi thích mấy cái vụ tẩy chay, đấu tranh phản đối, từ chức này nọ…Việc của ai thì người náy nên làm tốt mới thôi.  Xã hội phân công lao động rồi, người  trồng rau, kẻ xây nhà, người đi biển. Không phải cứ thấy người trồng rau không trồng sạch thì kẻ xây nhà về tự trồng tự ăn. Trồng bao nhiêu cho đủ, bước ra ngoài ăn hàng quán thì cũng bỏ công. Người mình rất linh hoạt, nhưng không thích đấu tranh cho lợi ích chung. Cái linh hoạt đấy lẩn vẩn trong kiểu cá nhân. Xã hội  là của chính chúng ta lại trông  chờ vào “ông Nhà Nước”. Đến giờ tôi cũng không chắc “ông” nhà nước là “ông” nào…

 

 

 

 

 

1.201 views

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *