Mỗi khi đến với một quốc gia mới, tôi rất thích tự lên lịch trình và khám phá các điểm đến xinh đẹp. Tôi quyết định làm một chuyến du lịch tự lái xe ở Haiti để thưởng ngoạn hết sự mới mẻ trên suốt quãng đường từ thủ đô Port Au Prince đi tỉnh Nord và tìm đến thị trấn Milot để khám phá pháo đài lớn nhất Châu Mỹ.
Trên thế giới có rất nhiều pháo đài đá được xây dựng với niên đại xưa cổ. Trong quá khứ, hầu như việc xây dựng pháo đài đều nhằm vào mục đích quân sự. Chính vì thế kiến trúc, vị trí của pháo đài luôn được chú trọng. Để khoe diễn thế lực, các pháo đài thường được đầu tư xây dựng vừa độc đáo nguy nga, vừa có khả năng bao quát quan sát, phòng thủ chắc chắn.
Haiti được mệnh danh là đất nước của những pháo đài. Do lịch sử chiến tranh của nước này, Haiti xây dựng rất nhiều pháo đài với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Có những pháo đài mang kích thước khủng lồ, từ đây trở thành biểu tượng của quốc gia này.
Ý nghĩa lịch sử của những tường thành bảo hộ
Để thuê một chiếc xe 5 chỗ tự lái thì tôi phải trả 40usd/ ngày, ngoài ra việc chi tiêu xăng dầu hoặc tài xế thì người thuê phải tự lo. Tôi thấy khá ổn, do đã di chuyển nhiều lần ở Port Au Prince của Haiti. Tôi mất 9 tiếng để đi hết quãng đường 250km vì giao thông ở Haiti không được tốt. Càng đi về phía ngoại ô đường càng xấu, đa phần là sỏi đá và chưa được tráng nhựa.
Hành trình đi tìm pháo đài lớn nhất Haiti làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Với diện tích quốc gia chỉ khoảng 27.750km2 nhưng Haiti có tới hàng trăm pháo đài lớn nhỏ tất cả. Tôi đi đi qua khoảng 20km lại thấy có tàn tích của một pháo đài đá cũ. Do vị trí địa lý cùng với địa hình đồi núi, người dân Haiti xưa kia tập trung xây dựng nhiều thành trì và pháo đài đá trên cao, nhằm ngăn chặng các cuộc xâm chiếm từ ngoại bang. Cũng từ đó, các pháo đài đá dần trở thành biểu tượng của những cuộc cách mạng nô lệ Haiti. Vì nó được xây dựng bởi những người nô lệ tự do. Những thành trì đá này chứa đựng rất nhiều lịch sử chiến đấu oai hùng của dân Haiti.
Riêng tại thủ đô Port Au Prince, sau chiến thắng năm 1802 của cuộc trổi dậy mà người cầm đầu là một trong những nô lệ. Người này tự xưng là vua. Ông cho xây dựng liên tiếp 5 pháo đài kiên cố. Jean-Jaques Dessalines đặt tên pháo đài chính của khu thủ đô theo tên mình. Dessalines lúc bấy giờ dùng mọi cách để đảm bảo người Châu Âu dù có quay lại một lần nữa, ông vẫn có thể giữ cho quốc gia của mình được độc lập. Các thành trì và pháo đài như một minh chứng đe dọa sự trở lại của quân Pháp.
Đối với một người yêu lịch sử văn hóa, cho dù bạn chứng kiến một di sản còn nguyên vẹn có vẻ đẹp tráng lệ hay chỉ là tàn tích còn sót lại, chỉ cần bạn hiểu về lịch sử của nó. Bạn sẽ thấy rung động và tôi đã như vậy. Khi tôi đi qua vùng Saint Marc nơi có nhiều cung điện hoang phế và thành trì cổ xưa bị những dây nho bao phủ.
Vẻ hoang vu nơi đây làm tôi ít nhiều hồi tưởng quá khứ. Ngày nay có thể chỉ là bình địa hoặc sót lại những mảnh ghép không tròn, nhưng tôi biết nó đã từng là nơi tự hào, nơi nương tựa của rất nhiều người chiến đấu vì tự do, tôi bỗng xót thương.
Pháo đài lớn nhất Haiti
Để giữ sức chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của thành cổ Citadelle Laferrière và Cung Điện San Souci tôi đến đây trước một ngày, nghỉ qua đêm ở thị trấn trung tâm. Sáng sớm hôm sau khởi hành đi Pháo đài từ thị trấn Milot, khoảng 8km tôi đến được chân núi. Đường lên núi được rải đá sạch sẽ nhưng có độ dốc cao. Chúng tôi đi bộ 30 phút, ở đây cũng có dịch vụ cho thuê ngựa là 10usd/người. Sự thật là đi bộ thì… đau chân, còn ngồi ngựa thì…ê mông, tôi thấy trải nghiệm nào cũng tuyệt. Tại đây cũng có sẵn rất nhiều hướng dẫn viên địa phương phục vụ đa ngôn ngữ khá thuận tiện.
Từ chân núi lên đỉnh Citadelle Laferrière là một con dốc uốn lượn, đường mòn này lọt thỏm trong rừng xanh như con rắn khủng lồ dài vô tận. Sự xuất hiện của thành cổ từ con đường mòn này được ví như một mũi tàu lớn, nhô ra từ sườn núi. Cả tòa thành Citadelle Laferrière sáng sớm chìm trong sương mờ ảo. Khung cảnh phía trước của tôi đôi lúc mơ hồ vì con dốc ngày càng cao và sự hùng vĩ của núi rừng bao phủ.
Núi đồi ở Haiti vào mùa hè cảnh sắc sẽ xanh đỏ pha trộn, vì bất kì ngọn núi nào cũng thấp thoáng hoa phượng đỏ. Xứ nhiệt đới này dư nắng dư gió, dung dưỡng hoa phượng càng thêm rực rỡ và dày hoa.
Sau khi vã hết mồ hồi vì cái nắng của xứ nghiệt đới, thì pháo đài Laferrière đã hiện ra sừng sững trước mắt tôi. Laferrière hay còn có tên gọi là Citadelle Henry Christophe, là một pháo đài trên đỉnh núi lớn ở tỉnh Nord, Haiti. Đây là một trong những pháo đài lớn nhất ở châu Mỹ và được UNESCO chỉ định là Di sản Thế giới vào năm 1982, cùng với Cung điện Sans-Souci gần đó. Pháo đài trên đỉnh núi đã trở thành một biểu tượng của Haiti. Pháo đài cổ này được xây dựng bởi Henry Christophe, một nhà lãnh đạo chủ chốt trong cuộc nổi dậy nô lệ Haiti sau khi Haiti giành được độc lập từ Pháp vào đầu thế kỷ 19.
Cấu trúc đá khổng lồ được xây dựng bởi 20.000 công nhân từ năm 1805 đến 1820. Diện tích hơn 10.000 mét vuông của pháo đài đã biến nó thành một biểu tượng quốc gia Haiti, toàn bộ hình ảnh của pháo đài từ nhiều năm đã được in trên tiền tệ, tem, áp phích của bộ du lịch. Kể cả trong tranh ảnh đường phố tôi cũng nhìn thấy pháo đài Citadelle Laferrière được thể hiện sinh động.
Toàn bộ công trình tráng lệ này được tính toán kĩ lưỡng, để trong chiến sự các góc cạnh này tùy vào hướng người nhìn mà thay đổi. Từ đó có thể đánh lạc hướng đại bác nếu bị tấn công. Các bức tường đá không thể xuyên thủng cao hơn 40 mét của pháo đài được kết dính vô cùng bền vững bằng kĩ thuật trộn vữa với vôi, mật mía và máu bò.
Tôi nhìn thấy bên trong pháo đài có bể chứa nước và nhà kho, theo hướng dẫn viên nó có thể trữ thức ăn cho hơn 5.000 người trong một năm. Pháo đài này cũng bao gồm các khu cung điện cho nhà vua và gia đình ông trong trường hợp họ cần lánh nạn. Họ cũng dự trữ hơn 300 khẩu pháo lớn với huy hiệu hoàng gia từ thế kỉ 17 vẫn còn được lưu giữ tại đây. Nhưng sau tất cả tính toán của nhà vua Haiti lúc bấy giờ, người Pháp đã không bao giờ trở lại với bất kì cuộc xâm lược nào cả. Và giờ đây Citadelle Laferrière trường tồn qua thời gian, sừng sững giữa núi rừng hoang dã.
Visa
Đại sứ quán Haiti tại Việt Nam nằm tại địa chỉ 44/4 Vạn Bảo, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Bạn có thể làm visa online hoặc xin trực tiếp visa tại Đại sứ quán khá dễ dàng với chi phí 75USD. Tuy nhiên lưu ý rằng không có đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới Haiti nên khi quá cảnh tại các nước khác bạn cần lưu ý vấn đề thủ tục visa tại các nước này.
Phương tiện di chuyển
Ở Haiti bạn có thể thuê xe tự lái khoảng 40USD một ngày. Nhưng nếu lần đâu đi du lịch ở đây, vì lý do địa hình, bạn nên thuê thêm cả tài xế. Nếu tiết kiệm chi phí thì phổ biến lại xe Tap Tap giống như xe ôm của Việt Nam. Bạn nên mặc cả giá trước khi đi, trung bình khoảng 50 Haiti Gourde(~12.500VND) cho 2km. Địa hình Haiti nhiều đồi núi, đường hẹp bạn cần cân nhắc khi chọn loại hình di chuyển.
Thời tiết
Haiti là xứ nhiệt đới, nắng nhiều. Bạn nên chuẩn bị mũ rộng vành và kem chống nắng cho suốt chuyến đi. Đối với Haiti dù đến bất kì mùa nào trong năm cũng khá ít gặp mưa.
Ẩm thực
Haiti là nơi bạn không cần lo lắng về ăn uống, gia vị món ăn ở đây rất dễ tiếp nhận. Trung bình cho bữa ăn ở nhà hàng có giá từ 15usd. Ẩm thực Haiti là sự pha trộn giữa Châu Phi hoang dã và nét tinh tế của ẩm thực Châu Âu. Sự ảnh hưởng rõ rệt của Pháp không chỉ trong việc sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, người dân Haiti có thói quen phổ biến trong các món phô-mát, bánh mì, bơ và các loại tráng miệng kiểu Pháp.