- Bơ đậu phộng
Món này thực ra quá quen thuộc rồi, nhưng ở Haiti mình ăn xong cảm thấy khác biệt liền. Các vị bơ đậu phộng khắp nơi sẽ là ngọt béo, một tí xíu vị mặn của muối. Nhưng bơ đậu phộng Haiti có cả loại được tẩm ớt, được gọi là Mamba.
Sau khi đậu phộng được rang chín, tách hết lớp vỏ đi, họ cho chúng đi vào máy xay chung với đường và ớt. Khi các nguyên liệu hòa trộn vào nhau và trở nên mịn màng, chúng được đóng vào lọ. Người Haiti dùng bơ đậu phộng phết lên tất cả những món họ thích, không riêng gì bánh mì. Cảm giác đầu tiên sau khi ăn sẽ là vị béo ngậy như kem, kế đến là vị cay của ớt làm cho bạn cảm nhận thêm phần phong phú của loại bơ đậu phộng khác biệt. Vì khẩu vị đặc biệt này, người Haiti ra nước ngoài không thể tìm thấy món bơ đậu phông cay, để thỏa mãn cơn thèm, mỗi chuyến về nước của họ thì món bơ đậu phộng không thể thiếu trong vali mang đi.
- Trái cây thối
Trái Stinking Toe hay còn gọi là Locust hay Jatobá là một loại quả ngon của người Haiti.
Nếu bạn vượt qua được mùi hôi chân, bạn sẽ chinh phục được loại trái cây này. Giống như người Việt Nam ăn sầu riêng trong sự thơm ngon tuyệt vời, thì Haiti cũng vậy. Họ có một loại trái cây mà người nước ngoài gọi là “trái cây thối”.
Bề ngoài của quả này trông hình dáng như ngón chân, màu sắc như một trái me, nâu cứng, vỏ giòn. Bên trong là thịt màu trắng kem mịn màng, bột và khô. Trong tự nhiên, loại trái cây này phát tán khắp Caribe, Trung Mỹ, Nam Mỹ là dựa vào hành vi “cất giấu đồ ăn” của các con vật thuộc họ gặm nhấm. Nó mang trái Stinking Toe (trái chân thối) đi đến khắp nơi mà nó muốn, sau đó chôn vùi dưới đất để cất giấu. Trong các trường hợp bị lãng quên thì hạt nảy mầm mọc lên thành cây.
Trẻ em thường ăn tươi, nhưng đa phần người ta tách hạt nghiền thành bột, nấu chúng lên. Hoặc dùng để xay sinh tố, làm bánh nướng, bánh quy. Nó có vị như bạn đang ăn sữa bột vì nó béo mịn và rất khô. Thực sự chưa quen mùi hương này mà vẫn muốn nếm thử, tôi khuyên bạn nên nín thở bằng mũi khi nếm lần đầu.
- Bia đắng Mauby
Ở Haiti và các nước khu vực Caribe có một loại thức uống gọi là bia đắng. Nó được lên men từ vỏ cây Snakewood. Đầu những năm 1990, nhiều người phụ nữ đội thúng hàng rong trên đầu để đi bán những loại bia tự chế.
Họ trộn nguyên liệu như đường, nước với vỏ cây Snakewood. Sau đó cho thêm quế, nhục đậu khấu, vani, vỏ cam quýt và sao hồi cho lên men tạo ra một loại bia đắng. Ngày nay thức uống này đã được sản xuất thương mại, có cả ở dạng siro và nước ngọt.
- Thịt nướng mọi
Vào thế kỉ thứ 17, đảo Hispaniola (nay là nước Haiti và Cộng hòa Dominican) bị tràn ngập bởi lợn hoang, và gia súc, chúng sống hoang dã thành từng đàn. Người ta bắt đầu đi săn thịt để ăn, thời đấy mọi phương tiện chế biến chưa có, nên thịt sau khi giết mổ chủ yếu nướng trên vỉ nướng bằng gỗ và thưởng thức.
Họ đốt lửa, làm một khung gỗ nhỏ đặt thịt lên trên. Có khi họ dùng mai con rùa, cho thịt vào bên trong và nướng chúng lên. Nếu muốn hương vị thịt thêm phần mạnh mẽ, người dân còn cho thêm da và xương động vật vào trong lửa để tạo ra loại khói mùi đặc trưng. Thị sau khi nướng và xông khô thì giữ được khoảng sáu tháng. Các thủy thủ đi biển ngày xưa dùng thịt này mang theo để ăn dần.
Hãy nghĩ đến món lợn quay hiện đại, hoặc thịt lợn xông khói, tôi nghĩ chúng ta nợ những người thợ săn xưa kia một lời cảm ơn.
- Rượu rum Haiti
Ở Haiti, những người nô lệ xưa kia đã học cách chưng cất rượu từ người Pháp trước khi nổi dậy, đánh đuổi thực dân châu Âu và thành lập một quốc gia độc lập. Các nhà sản xuất địa phương bắt đầu sản xuất rượu rum từ nước mía nguyên chất (mật mía và nước tạo thành rượu rum công nghiệp) và đặt tên là clairin.
Rượu rum mía Clairin
Có hơn 500 xưởng chưng cất nhỏ ở Haiti được xây dựng để phục vụ nhu cầu uống rum của người dân địa phương. Nông dân tự tay cắt mía bằng dao rựa, đưa nó đến máy ép nước mía. Sau đó để nước mía lên men tự nhiên trong bể. Đủ thời gian lên men, họ chưng cất mía thành rượu rum trắng không đường. Có cả 100 loại khác nhau, giá bình dân nhất là khoản 2 usd một chai, bán rất nhiều trên đường phố thủ đô Haiti, Port-au-Prince.
Rượu rum Barbancourt nổi tiếng của Haiti .
- Callaloo súp
Là một món rau có nguồn gốc từ Châu Phi. Ngày nay nó phổ biến ở mọi miền của Haiti, theo truyền thống thành phần chính của nó sẽ là lá dasheen non (lá của một loại khoai môn), có khi họ thay thế bằng rau dền, rau muống hoặc rau bina. Tuy đây chỉ là một món canh rau, nhưng người Haiti đã làm cho nó nổi bật nhờ sự kết hợp cầu kì của gia vị và cách chế biến.
- Cơm trộn đậu đỏ:
Là món ăn được sử dụng rộng rãi nhất trong mọi gia đình người Haiti. Cơm đậu sau khi nấu chín được phủ một lớp nước sốt được làm từ cà chua, hành tây. Đa phần người Haiti ăn cơm đậu và nước sốt, một số ít người khá giả và cầu kỳ mới cho thêm các thành phần khác vào bữa ăn như là thịt hoặc cá.